HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM - THÁI LAN TP HÀ NỘI
Ông Luân (phải) bên cây đào đã được khách đặt hàng Tết.
 
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 20km về phía Nam, làng hoa đào Vân Tảo những ngày này nhộn nhịp, tấp nập không khác gì làng đào Nhật Tân xưa.
 
Ông Bùi Văn Luân, nông dân trồng đào ở Vân Tảo cho biết, 15 năm trước, ông đã đi học nghề ở Nhật Tân (Tây Hồ) và chuyển hẳn sang trồng đào thế từ đó đến nay. Hiện, ông có 1ha đào các loại và 200 gốc đào cổ thụ mua từ Sơn La về, giá bình quân từ 1 - 6,7 triệu đồng/gốc  tuổi đời 20 - 30 năm trở lên. Ở Sơn La, bà con trồng trong vườn nên đào có hoa màu trắng, đưa về Vân Tảo ghép thành đào thắm, đào phai, đào bạch, đào tuyết... Nhưng dù là loại nào thì sắc màu cũng lung linh, tươi thắm sau khi ghép. Đào gốc sau khi ra hoa thì năm sau không phải ghép nữa, chỉ việc chăm sóc và uốn thế. Trồng đào không khó, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, mưa nhiều cũng hỏng, nắng nhiều phải tưới, hãm; rét quá cũng không nở. “Đào ghép sau 1 năm có thể cho khách thuê được, giá cả tùy theo gốc, thấp nhất 5-7 triệu đồng, bình quân 10 - 15 triệu đồng, cao nhất 20 -30 triệu đồng. Dù được chăm sóc chu đáo, cẩn thận nhưng sau 25 - 30 ngày cho thuê cũng phải trả về vườn, để lâu quá khó hồi sức. Nói về giá cả thì “vô chừng” lắm, ví như năm ngoái, tôi cho khách nội thành thuê 1 gốc đào thế giá 20 triệu đồng nhưng khách cho thuê lại với giá 60 triệu đồng”, ông Luân chia sẻ.
 
Ông Luân cho biết thêm, làng đào Vân Tảo được hình thành từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng lúc này chỉ có một vài hộ trồng trong vườn nhà để chơi Tết. Phải đến năm 1989, khi 2 cụ cao niên trong làng khởi xướng và đem đào về trồng thì mới rộ lên phong trào trồng đào như ngày nay. Riêng ông Luân là người có công mang đào thế Sơn La về Vân Tảo. Theo đó, xã có 6 thôn, trong đó 2 thôn Nội Thôn và Đông Thai có tới 85% số hộ trồng đào; 4 thôn còn lại khoảng 15% hộ tham gia. Trưởng thôn Nội Thôn, bà Nguyễn Thị Tấn cho biết, cả thôn có 175 hộ trồng đào; năm 2015, hộ thu nhập nhiều nhất đạt 700 triệu đồng, những hộ còn lại đạt 150 - 400 triệu đồng/năm; thu nhập từ trồng đào cao gấp 9 - 10 lần trồng lúa nên bà con chuyển sang trồng đào ngày càng nhiều. Vài năm trở lại đây, cứ đến 15 - 20 tháng Chạp là “cháy” hàng, người buôn, người bán, người đi thưởng hoa ngắm cảnh, tấp nập cả một vùng.
 
Khác với Vân Tảo, bà con xã Hồng Vân lại thiên về cây cảnh, nổi bật nhất là mô hình nông trại của ông Phạm Văn Quỳnh, thôn Xâm Xuyên. Nông trại của ông rộng 7ha, trong đó 3ha dành cho hoa và cây cảnh với các loại như lan rừng (500 giò), giá từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng/giò; hàng ngàn cây hoa hồng trong vườn và trên chậu. Cây cảnh thế có đa, đề, sanh, si, lộc vừng, tùng cối, tùng La hán... bán buôn, bán lẻ quanh năm nhưng tấp nập nhất là từ đầu tháng 11 âm lịch đến 25 tháng Chạp. Bình quân thu nhập từ hoa, cây cảnh của ông Quỳnh lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Ngoài ra,  nông trại còn phục vụ khách tham quan, chủ yếu là học sinh đến tìm hiểu về công việc của nhà nông.
HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM - THÁI LAN TP HÀ NỘI
 
 

 

 

Top