Với nhiều điều kiện thuận lợi, đồng thời là vùng đất có bề dày truyền thống
lịch sử văn hóa nên lúc sinh thời Cao Bá Quát gọi đây là vùng đất danh hương.
Đến với huyện Thường Tín, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều loại hình du lịch
khác nhau như: Du lịch di sản – di tích – lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái,
du lịch nông nghiệp, trải nghiệm ẩm thực và vui chơi giải trí…
Du lịch di tích: Với quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ có 462 công trình
tôn giáo, tín ngưỡng (ước tính cứ 1km2 có 3 di tích, công trình tín ngưỡng), trong
đó đến năm 2019 có 120 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Một số
di tích nổi tiếng như: Chùa Đậu; Đền bến Chương Dương; Đền thờ Nguyễn Trãi;
Chùa Pháp Vân; Đền Bộ Đầu… các di tích này gắn liền với truyền thống đấu tranh
chống giặc ngoại xâm và truyền thuyết lịch sử của cha ông ta qua các thế hệ. Các
di tích đều có cảnh quan đẹp, kiến trúc điêu khắc độc đáo, là nơi lưu giữ nhiều báu
vật quí của quốc gia như Chùa Đậu lưu giữ cuốn sách bằng Đồng có từ thời Sỹ
Nhiếp (200-210), rồng đá thời Trần, chuông đồng, khánh đồng, hai pho tượng bằng
sơn phủ lên thi hài của hai nhà sư trụ trì Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường…
Du lịch lễ hội: Gắn với các di tích là lễ hội , hiện nay trên địa bàn huyện có 6
lễ hội qui mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức thường xuyên, trong đó có những lễ hội
tiêu biểu, đặc sắc như lễ hội tôn thờ Chử Đồng Tử - Đệ nhất phúc thần, là một
trong Tứ Bất Tử của dân tộc - với nàng Tiên Dung, con gái của vua Hùng, Lễ hội
được tổ chức vào ngày 01 tháng 4 âm lịch hàng năm ở xã Tự Nhiên; Lễ hội Đền
Bộ Đầu; Lễ hội Đền Lộ xã Ninh Sở…các lễ hội đa phần diễn ra vào đầu năm với
quy mô lớn, thu hút nhiều du khách khắp nơi đến tham dự và tìm hiểu nét đẹp
truyền thống của địa phương.
Du lịch di sản: Huyện là nơi lưu giữ kho tàng tục ngữ, dân ca, các sinh hoạt
lễ hội, các tích trò dân gian đậm nét nhân văn như thi võ cổ truyền tại lễ hội chùa
Mui; hát trống quân ở Khánh Hà; Múa rối cạn xã Nguyễn Trãi; hát chèo ở các xã:
Nghiêm Xuyên, Nguyễn Trãi, Duyên Thái...
Thường Tín nổi tiếng là đất hiếu học, khoa bảng, trong lịch sử khoa cử Việt
Nam thời phong kiến, Thường Tín là huyện đứng ở tốp đầu về con số đăng khoa
(gần 70 người). Đặc biệt là làng Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên có 7 tiến sĩ, nhiều
dòng họ đỗ đạt, điển hình là họ Vũ làng Ba Lăng, xã Dũng Tiến; họ Doãn ở làng
An Duyên, xã Tô Hiệu; gia đình họ Nguyễn (cha là Nguyễn Phi Khanh, con là
Nguyễn Trãi) ở làng Nhị Khê, xã Nhị Khê… đều thi đỗ đại khoa. Đến ngày nay, tại
các nhà thờ của các dòng họ vẫn là nơi được mọi người tìm đến để khám phá tìm
hiểu về lịch sử khoa cử của huyện…
Du lịch làng nghề: Thường Tín không chỉ nức tiếng là vùng đất anh hùng,
nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, nhiều vị khoa bảng mà còn là mảnh đất trăm
nghề. Nhân dân Thường Tín vốn cần cù, thông minh, chịu khó học hỏi nên những
sản phẩm thủ công được tiêu thụ rộng rãi trong nước. Nhiều sản phẩm được xuất
khẩu ở nước ngoài và là mặt hàng thủ công tinh xảo được bày bán tại những gian
hàng giới thiệu sản phẩm, phục vụ việc mua sắm của khách du lịch. Nhiều làng
nghề nổi tiếng hình thành từ sớm và làng nghề đã trở thành khẩu ngữ, tên làng gắn
liền với sản phẩm của nghề như: Lược sừng Thụy Ứng, bánh dày Quán Gánh, sơn
mài Hạ Thái, thêu Quất Động, Thắng Lợi, Tiện Nhị Khê, chạm đá Nhân Hiền…
Hiện nay trên địa bàn huyện có 126 làng nghề, có 47 làng nghề được công nhận là
làng nghề truyền thống.
Trải nghiệm ẩm thực: Du khách đến với Thường Tín theo đường quốc lộ 1A,
đến cây số 16 gặp một dãy phố chạy dài trên một cây số, hai bên đường bày bán những
gói bánh được bọc lá dong còn tươi màu xanh và kèm theo là những tấm biển quảng
cáo “Đặc sản bánh dày Quán Gánh”. Bánh dày Quán Gánh từ xưa đến nay luôn được
khách vãng lai dừng chân thưởng thức và mua về làm quà biếu ông bà, cha mẹ và đón
tay cho trẻ hoặc thắp hương tổ tiên ngày tuần rằm. Đặc biệt, từ những năm đất nước
bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống của nhân dân ngày được nâng cao. Dân làng
Thượng Đình ngày đêm tấp nập làm bánh theo đơn đặt hàng của các đám lễ hội, đám đi
du lịch đường dài và đặc biệt là các đám “nên duyên” đặt càng ngày càng đông.
“Dù ai chồng rẫy, vợ chê
Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau
Ăn trước thì bảo người sau
Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng”
Du lịch sinh thái: Huyện Thường Tín có làng sinh vật cảnh Hồng Vân hội tụ
đầy đủ những nét đẹp thuần khiết, yên bình của một làng quê ven đô với đặc trưng
của nền nông nghiệp đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tham gia tour Du lịch Làng
nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, du khách sẽ được tham quan, khám phá những nét
độc đáo và trải nghiệm tổng hợp của các loại hình du lịch ở nơi đây từ du lịch sinh
thái làng nghề tới du lịch nông nghiệp trải nghiệm cộng đồng và du lịch văn hóa
tâm linh
Trong những năm qua, du lịch Thường Tín đang dần trở thành địa chỉ được đông
đảo du khách biết đến và yêu thích. Số lượng du khách đến Thường Tín để khám phá
các điểm du lịch như Chùa Đậu, Đền thờ Nguyễn Trãi, khu du lịch làng nghề sinh vật
cảnh Hồng Vân… ngày một đông. Với mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình du lịch
từ du lịch di sản – di tích – lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch nông
nghiệp, trải nghiệm ẩm thực và vui chơi giải trí…đã hình thành những tour du lịch
với những trải nghiệm mới mẻ, tạo nên sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
Đào Thị Ngọc Lan – phòng VHTT