HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM - THÁI LAN TP HÀ NỘI

Lực đẩy cho du lịch Thường Tín

Cách trung tâm Hà Nội hơn 20km là một địa bàn có nguồn tài nguyên cực kỳ phong phú, Thường Tín hội tụ nhiều điều kiện để phát triển ngành "công nghiệp không khói". Thế nhưng, so với một số huyện thuộc Hà Nội, du lịch Thường Tín bị bỏ lại khá xa. Vì sao như vậy?

Đất danh hương, đất trăm nghề

Thường Tín xưa nổi tiếng là vùng đất “danh hương” với 70 người đăng khoa - nhiều nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến và ngày nay, nhiều dòng họ vẫn giữ được truyền thống hiếu học.

Thường Tín cũng là đất "trăm nghề" với 47/126 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Trong đó có nhiều làng nghề đã trở nên thân thuộc với người Hà Nội cũng như du khách trong nước, quốc tế như: Sơn mài Hạ Thái, thêu ren Quất Động, điêu khắc Nhân Hiền, mộc Vạn Điểm, lược sừng Thụy Ứng, bánh dày Thượng Đình, cây cảnh Hồng Vân...

Không những thế, Thường Tín còn sở hữu quần thể di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ (450 di tích và có 110 di tích đã được xếp hạng). Rất nhiều trong số đó là di tích nổi tiếng như: Chùa Đậu, đền thờ Nguyễn Trãi; đền, bến Chương Dương, đình Bộ Đầu... Cùng với hệ thống di tích dày đặc là các lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy, khai thác giá trị thông qua việc phát triển sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa.

Giàu có về nguồn tài nguyên lại nằm không xa trung tâm thành phố, nhưng nhiều năm qua, cái tên Thường Tín xuất hiện khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch Thủ đô. Thẳng thắn mà nói, Thường Tín không thể so được với Ba Vì, Sơn Tây hay Mỹ Đức về phát triển du lịch - lượng khách cũng như sản phẩm. Vậy đâu là “nút thắt” khiến việc phát triển du lịch ở đất "danh hương", đất " trăm nghề" nghẽn tắc nhiều năm qua?  

Gỡ “nút thắt” từ đâu?

Dễ dàng nhận thấy nhất, có ba “nút thắt” khiến du lịch Thường Tín chưa thể phát triển mạnh mẽ, đó là các vấn đề về giao thông, sản phẩm du lịch và tính liên kết.

Mặc dù nằm ngay trên tuyến huyết mạch - quốc lộ 1A (cũ), nhưng đường vào các di tích, làng nghề ở Thường Tín không dễ chút nào: Nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, lại không có hệ thống biển báo nên du khách phải tiêu tốn khá nhiều thời gian để đến được nơi mình muốn. Đường giao thông nhỏ giống như tấm “barie” ngăn cản dòng xe 45 chỗ đưa các đoàn khách lớn đến với làng nghề, điểm du lịch. Và chỉ riêng điều đó đã đủ để các công ty du lịch e ngại khi đưa khách về tham quan.

Thế mạnh của Thường Tín là phát triển loại hình du lịch làng nghề. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều làng nghề ở Thường Tín đang phải đối mặt với không ít vấn đề như: Tình trạng nhái mẫu mã giữa các làng cùng nghề, cạnh tranh không lành mạnh; thiếu nguyên liệu sản xuất và khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề để phục vụ du khách... Ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết: Nhiều năm nay, sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Hơn 50% sản phẩm quà lưu niệm trong các cửa hàng phục vụ khách du lịch tại khu vực phố cổ có xuất xứ từ Hạ Thái. Rất nhiều đơn đặt hàng lớn từ các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, nhưng vì nhiều lý do, sản phẩm do chính bàn tay người Hạ Thái làm ra không được đề tên mình, cùng lắm chỉ là dòng chữ “Made in Vietnam”. “Đó là kẽ hở để nhiều xưởng sản xuất nhỏ lẻ nhái mẫu mã, kiểu dáng và bán ngang với giá của sản phẩm Hạ Thái. Chúng tôi rất xót xa khi thương hiệu sản phẩm của làng mình bị vi phạm nghiêm trọng”, ông Đỗ Hùng Chiêu nói.

Thăm đền thờ Nguyễn Trãi, làng cây cảnh Hồng Vân và tận mắt chứng kiến các quy trình sản xuất ở làng Hạ Thái, ông Emile Harold - đại diện sản phẩm của Công ty du lịch Mai Việt tại Montreal (Canada) bày tỏ sự ngạc nhiên đối với tiềm năng du lịch của huyện Thường Tín nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung: “Ở đất nước chúng tôi không có các làng nghề với nhiều gia đình cùng tập trung sản xuất như ở Việt Nam. Người Việt Nam rất khéo tay và đa phần sản phẩm đều được làm bằng đôi bàn tay người thợ chứ không sử dụng máy móc như ở Canada. Vì thế, tôi thấy mọi thứ ở đây vô cùng thú vị. Nhưng nếu có thể, các bạn nên tăng cường mối liên kết giữa người dân làng nghề với du khách thông qua hoạt động trải nghiệm, để du khách được tự tay làm các sản phẩm và mang về thì chắc chắn các tour du lịch ở đây sẽ phát triển hơn nữa”.

Đó cũng là quan điểm của nhiều doanh nghiệp sau khi tham gia chuyến khảo sát do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức vừa qua. Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Vietsense cho rằng, Thường Tín nên quan tâm, kêu gọi đầu tư và thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị lưu trú và người dân địa phương để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Có thể kết nối thành các tour khép kín như: Tham quan làng nghề, di tích lịch sử, lễ hội kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch MICE và du lịch học đường. Cũng theo ông Nguyễn Văn Tài, Thường Tín tập trung vào việc khai thác nguồn khách từ nội đô với các dòng sản phẩm trên là có thể đưa du lịch lên một bước phát triển mới.

Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho biết: Huyện đã và đang xây dựng đề án “Phát triển du lịch tâm linh gắn với làng nghề và làng sinh thái huyện Thường Tín giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030”. Cùng với đó, Thường Tín phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương 2 dự án: “Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi” (xã Nhị Khê) và “Khu du lịch văn hóa làng nghề Thượng Phúc” (xã Văn Bình). Bên cạnh các đề án cụ thể, huyện sẽ kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng để phục vụ du khách và thúc đẩy giao lưu hàng hóa; đồng thời xây dựng, phát triển tuyến du lịch sinh thái tới các trang trại rau, hoa công nghệ cao gắn với làng nghề truyền thống và di tích, tạo nên sản phẩm riêng biệt cho từng địa phương để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, Thường Tín sẽ chú trọng nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách ngày một tốt hơn... Ông Nguyễn Tiến Minh khẳng định: Đó chính là những “lực đẩy” giúp Thường Tín phát triển ngành "công nghiệp không khói" trong tương lai..

 

 

Từ Khóa cuối trang:

"Lực

đẩy"

cho

lịch

Thường

Tín

HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM - THÁI LAN TP HÀ NỘI
 
 

 

 

Top